Đó là khoảng thời gian chín năm tôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Chín năm gắn bó, làm việc cùng tập thể. Chín năm được học hỏi, thực hành trong vai trò người lãnh đạo tổ chức công đoàn ở một trường đại học có nhiều khoa, phòng ban với hàng nghìn cán bộ, viên chức. Với tôi, chín năm ấy lưu giữ nhiều ký ức đẹp và đáng tự hào. Có những việc bây giờ nhớ lại vẫn thấy vui.

 

Tháng 11 năm 1988, đang làm Phó trưởng Phòng Đào tạo, tôi nhận được quyết định chuyển sang làm Chủ tịch Công đoàn trường. Tôi suy nghĩ rất nhiều vì thấy công việc này quá khả năng của mình. Trước đó, từ năm 1965, tôi từng làm Thư ký Công đoàn ngay khi mới chập chững bước vào nghề giáo nhưng chỉ ở phạm vi một trường phổ thông cấp 3 hay một khoa, phòng nhỏ trên dưới 70 đoàn viên công đoàn, có làm gì, lo gì cũng tương đối dễ giải quyết. Nay làm Chủ tịch Công đoàn của một trường đại học lớn trong khi mình là một cử nhân hóa, chỉ hiểu biết một chuyên khoa hẹp thì biết làm sao? Hơn nữa, công tác công đoàn lúc này đâu chỉ là “cơm áo gạo tiền” chung chung cho đời sống công đoàn viên.

 

Càng nghĩ càng lo. Không nhận là chống lại quyết định của cấp trên, không chấp hành sự phân công của Trường, của Đảng, còn nhận thì liệu có phải là mình ham chức, ham quyền hay không vì làm Chủ tịch Công đoàn Trường là lên chức mà! Để có được quyết định đúng đắn, tôi đã lên gặp chú Bảy Khai để hỏi rõ về nhiệm vụ được giao. Chú Bảy lúc ấy vừa là Hiệu trưởng vừa là Bí thư Đảng ủy Trường, người mà tôi rất kính trọng, yêu quý. Gặp chú, tôi bày tỏ băn khoăn của mình: Không rõ việc điều tôi sang làm Chủ tịch Công đoàn Trường có phải là do nhu cầu công tác, do tôi thật sự có kinh nghiệm trong công tác công đoàn hay vì tôi đã không làm tròn trách nhiệm của một Phó trưởng Phòng đào tạo phụ trách quản lý sinh viên, quá nguyên tắc, cứng rắn, gây nhiều khó khăn cho sinh viên, phụ huynh và làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo chung của nhà trường? Chú Bảy cười, ân cần động viên tôi. Chú nói: “Việc cháu đang làm, cơ bản là tốt, còn giao việc mới thì Đảng ủy, Ban Giám hiệu (BGH) đã cân nhắc kỹ, thấy cháu có kinh nghiệm và có thể làm tốt nhiệm vụ mới được giao. Có khó khăn gì trong công tác, cháu cứ gắn bó chặt chẽ với tập thể cán bộ, viên chức (CBVC) và nếu cần thì gặp lãnh đạo để được góp ý, tư vấn...”. Chia tay chú Bảy ra về, tôi cảm thấy vui và tự tin hơn rất nhiều.

 

Vậy là tôi mạnh dạn nhận quyết định về văn phòng Công đoàn với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bỏ qua mọi thắc mắc, băn khoăn, tôi bắt tay vào tìm hiểu kỹ lại xem chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của Công đoàn trong một trường đại học lớn là những gì và phải làm những công việc cụ thể nào để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đó. Ôi trời ôi, cả một mớ bòng bong! Đọc đi đọc lại các tài liệu, lúc nào cũng thấy: “Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, của người lao động, là thành viên trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đại diện cho CBVC, người lao động, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội, tham gia thanh kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền nhà nước; tuyên truyền vận động người lao động nâng cao trình độ, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”.

 

Quá nhiều việc vượt tầm với của tôi! Hết sức lo lắng, tôi đã tìm gặp các đồng chí từng làm Chủ tich Công đoàn các nhiệm kỳ trước đây như cô Tư Thanh , anh Hai Hoành , đ/c Đỗ Quốc Trung để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Các đồng chí ấy đều động viên và giúp đỡ tôi chí tình. Tôi đã suy nghĩ rồi dần nhận ra cái gì mình phải trực tiếp làm, cái gì mình chỉ tham gia đóng góp ý kiến với tư cách đại diện trách nhiệm và quyền lợi của CBVC, cái gì mình phải hợp tác với chính quyền, với các ban ngành, đoàn thể để cùng thực hiện. Với sự giúp sức tận tình của các đồng chí trong Văn phòng Công đoàn, tôi đã cùng các thành viên trong Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn trường nắm lại tình hình chung của các Công đoàn bộ phận và đi sâu tìm hiểu các cơ sở phục vụ đời sống CBVC của Trường lúc bấy giờ. Qua một thời gian tìm hiểu, tôi thấy khá nhiều công việc mình có thể làm được nhờ vốn liếng kinh nghiệm của một cán bộ công đoàn trước đây.

 

Chính nhờ kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm và lòng nhiệt tình, tôi bắt đầu tiếp cận, giải quyết công việc nhanh chóng, tự tin hơn và rất mừng là tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong suốt thời gian đảm trách cương vị Chủ tịch Công đoàn Trường. Ngoài việc đóng góp ý kiến cho các hoạt động chung của Trường, tôi và các thành viên trong BCH Công đoàn Trường đã phối hợp tổ chức tốt các Hội nghị Công nhân viên chức để công đoàn viên, các công đoàn bộ phận có ý kiến đóng góp cụ thể với Trường; tổ chức tốt các tổ Thanh tra Nhân dân; phân công các ủy viên BCH đi dự đại hội công đoàn các bộ phận để nắm chắc tình hình. Công đoàn Trường luôn liên hệ chặt chẽ với Liên đoàn Lao động thành phố, với BCH Công đoàn ngành để nắm rõ các chế độ chính sách liên quan đến công đoàn viên và vận dụng thực hiện cho tốt.

 

Ngoài ra, Công đoàn còn đi sâu chăm lo đời sống công đoàn viên thông qua việc xét trợ cấp khó khăn, sắp xếp chỗ ở trong khu tập thể cho CBVC, thăm hỏi và vận động toàn trường giúp đỡ các công đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo, lo tổ chức Tết và chăm lo cho các công đoàn viên xa nhà, tổ chức lại Nhà trẻ Mẫu giáo có chất lượng tốt để giúp các cô dạy trẻ yên tâm giảng dạy và công tác. Công đoàn cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên, tổ chức Tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi, tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu, tổ chức cho công đoàn viên tham quan, nghỉ dưỡng, mỗi năm có kết hợp xét thêm một vài cán bộ về hưu vào danh sách tham quan và vận động Trường hỗ trợ một phần kinh phí để những cán bộ này có điều kiện tham gia. Đặc biệt, BCH Công đoàn đã tổ chức phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” cho nữ công đoàn viên, có nội dung thi đua, có tiêu chuẩn, có bình chọn dân chủ những cá nhân tiêu biểu để biểu dương và học tập chung,... Với thành tích đạt được, Công đoàn Trường luôn được CBVC tin tưởng và ủng hộ, Công đoàn Trường ĐHCT nhiều năm được Liên đoàn Lao động Thành phố và Công đoàn ngành khen thưởng.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển và đ/c Nguyễn Ngọc Quyên Phó Chủ tịch BCH Công đoàn ngành GD&ĐT dự Hội nghị Giỏi việc trường Đảm việc nhà của ngành tại Hà Nội

 

Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại Hội nghị Giỏi việc trường Đảm việc nhà

 

Công đoàn Trường ĐHCT nhận cờ thi đua Công đoàn xuất sắc ngành GD&ĐT

 

Thành tích thì nhiều, khó thể kể hết, tôi chỉ muốn nhắc lại vài kỷ niệm khó quên trong thời gian hoạt động công đoàn, đó là việc cải tạo lại Nhà trẻ Mẫu giáo của Trường và việc tổ chức tham quan cho công đoàn viên.

 

Còn nhớ, thời kỳ này, hằng năm, Công đoàn Trường đều tổ chức những chuyến tham quan nghỉ dưỡng cho cán bộ đoàn viên, khi thì ở Đà Lạt, khi thì ở Nha Trang, Huế,… Tuy nhiên, có một chuyến đi làm tôi cùng nhiều người rất vui và ấn tượng mãi đó là chuyến tham quan Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Trung Quốc, quãng hành trình xa nhất và đòi hỏi công tác tổ chức phức tạp nhất tính tới thời điểm đó. Tôi nhớ khi mới đưa ý kiến ra, ai cũng phát hoảng: lấy tiền đâu mà đi, tổ chức đi như thế nào, những ai được đi v.v và v.v. Tôi đã bàn với đồng chí Tố Loan để xem kinh phí tổ chức ra sao. Sau khi cân đối trước sau, nhận thấy có thể tổ chức được nếu có sự đóng góp thêm của các cá nhân, sự giúp đỡ thêm của các đơn vị và sự phối hợp chặt chẽ với các nơi đến tham quan, chúng tôi hạ quyết tâm tổ chức chuyến đi này cho công đoàn viên. Sau khi lên kế hoạch, định tiêu chuẩn chọn người đi, tôi báo cáo với Đảng ủy, BGH và nhận được sự ủng hộ cao. Trường còn quyết định cho thêm ít kinh phí tổ chức và cung cấp xe đưa đi đón về đoạn Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi thông báo xuống các đơn vị. Vì tiêu chuẩn đi là người chưa biết Hà Nội, ít có điều kiện đi lại nên các cán bộ là người miền Nam được đi nhiều. Anh chị em phấn khởi lắm. Tôi nhận làm trưởng đoàn lo liên hệ với Công đoàn ngành và Công đoàn Giáo dục ở các địa phương dự định sẽ đến tham quan để nhờ giúp đỡ phương tiện đi lại, nơi ăn ở,... Đ/c Tố Loan, Phó đoàn, lên danh sách lo tiền nong, thuốc men đem theo.

 

Chuyến đi thắng lợi mỹ mãn. Có người đi về đã cảm ơn tôi. Anh ấy nói: “Tôi cũng là người được đi Hà Nội họp nhiều, nhưng chỉ biết từ sân bay đến chỗ họp rồi về, ngoài ra đâu có biết gì. Nhờ đi chuyến này, tôi được biết nhiều tỉnh miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn đâu đâu cũng đẹp”. Anh chị em được đi kể lại chuyện cho người chưa được đi, ai cũng xúc động, háo hức và đề nghị nên tổ chức thêm nhiều chuyến nữa.

 

Việc cải tạo lại Nhà trẻ Mẫu giáo thành một trường học đúng chuẩn chứ không chỉ có tính chất như một nơi trông giữ trẻ cũng hết sức khó khăn, nan giải. Lúc đó, cơ sở vật chất của Nhà trẻ rất thiếu thốn, đội ngũ cô giáo còn quá yếu, chưa qua đào tạo chuyên môn. Hơn nữa, công việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ rất nặng nhọc, các cháu đông, nội bộ cũng còn nhiều phức tạp,... Thế là tôi cùng các thành viên trong BCH Công đoàn lại xắn tay áo, suy nghĩ, bàn bạc cùng với Nhà trường để tìm giải pháp.

 

Từ kinh phí hạn hẹp của nhà trường, Công đoàn đã tranh thủ quan hệ quen biết của CBVC trong trường với một số cơ quan bên ngoài để vận động xin thêm tài trợ giúp đỡ. Kết quả là Nhà trẻ Mẫu giáo của Trường ĐHCT đã có được một cơ sở khang trang với nơi ăn, ngủ, học đàng hoàng, chỗ chơi cũng đẹp và rộng rãi, mát mẻ. Để tăng cường đội ngũ chuyên môn, BCH Công đoàn đã phối hợp với Phòng Giáo dục thành phố, hỗ trợ giáo viên mầm non bổ sung cho Nhà trẻ. Mặt khác, để động viên tinh thần và giúp các cô có thêm kinh nghiệm, tôi đã đề nghị BGH cho các cô được đi tham quan các trường mầm non khác tại thành phố Cần Thơ và tổ chức cho các cô một chuyến tham quan các trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh. Được đi tham quan, các cô vui vẻ, phấn khởi lắm. Đa số các cô chưa từng được đi xa, có cô lần đầu tiên được qua khỏi bắc Cần Thơ nên đến đâu cũng thấy lạ, thấy ngỡ ngàng, tội nghiệp lắm. Sau chuyến đi thăm các trường mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, từ khâu tổ chức, biên chế lớp, phân công cô dạy, cô nuôi, tổ chức họp định kỳ hàng tháng, cải tiến các bữa ăn,... Nhờ đó, việc giảng dạy, chăm sóc ở Nhà trẻ Mẫu giáo được cải thiện nhiều. Các cô rất phấn khởi, nhiều người còn tích cực phát biểu, đóng góp ý kiến giúp cho Nhà trẻ ngày càng tốt hơn. Ai ai cũng vui khi thấy nhiều cán bộ ở các cơ quan ngoài trường bắt đầu tin tưởng, mong muốn gửi con nhỏ tại Nhà trẻ Mẫu giáo Trường ĐHCT.

 

Một điều cũng làm tôi thấy cảm động, vui sướng đó là được nhìn thấy các cháu nhỏ, con em của CBVC trường ngày trước, giờ đã trưởng thành, có gia đình, đóng góp tích cực cho xã hội, thậm chí, nhiều cháu hiện nay đang là cán bộ giảng dạy của Trường. Còn nhớ, lúc làm Chủ tịch Công đoàn, tôi đã quan tâm rất nhiều đến các cháu thanh thiếu niên là con em CBVC của Trường. Hằng năm, tôi cùng BCH Công đoàn luôn đặc biệt quan tâm đến khâu tổ chức các ngày lễ, tết như Tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi và các kỳ nghỉ hè sao cho các cháu luôn cảm thấy mới mẻ, thiết thực. Công đoàn còn bàn bạc cùng với Đoàn thanh niên để tổ chức thi đua trong sinh hoạt hè, chọn các cháu chăm ngoan cho đi chơi Sóc Trăng thăm hồ Nước ngọt, thăm các chùa,... hoặc đi Đồng Tháp thăm lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Các cháu vui lắm, cha mẹ cũng rất vui. Về già, thấy lớp con em được mình thương yêu, chăm sóc lúc nhỏ, nay đã trở thành những công dân tử tế, thật không có hạnh phúc nào lớn hơn.

 

Nhìn lại những năm tháng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Công đoàn Trường, tôi cảm thấy vui và tự hào vì khả năng của tôi lúc bấy giờ cũng có hạn nhưng nhờ ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình, tôi đã làm được nhiều việc tốt cho nhà trường và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Tôi nghĩ: Nếu muốn làm bất kỳ một công việc gì tốt cho đoàn viên công đoàn thì mình cần bàn bạc, thống nhất trong BCH, xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, BGH rồi quyết tâm làm cho bằng được chứ không nên quá nguyên tắc, gò bó với những quy định chức năng, nhiệm vụ này nọ ghi trong các văn bản hành chính. Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất đối với người làm công tác công đoàn vẫn là phải biết thương yêu, chăm lo cho đời sống của đoàn viên công đoàn, phải làm cho cuộc sống của họ giảm bớt khó khăn, căng thẳng từ đó vui vẻ, yên tâm công tác, yên tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

 

Bây giờ, Công đoàn phải biết cách khơi dậy, đẩy mạnh dân chủ trong trường học, góp phần nghiên cứu đề xuất chế độ lương thưởng, chính sách đãi ngộ sao cho tốt nhất với giảng viên, cán bộ quản lý và anh chị em nhân viên trong toàn trường. Hơn nữa, đội ngũ làm công tác công đoàn hiện nay có lợi thế là được đào tạo bài bản, hiểu biết nhiều, quan hệ rộng hơn chúng tôi hồi đó, nên chắc chắn, các đồng chí sẽ làm được nhiều việc hơn, đem lại nhiều quyền lợi hơn cho đoàn viên, đáp ứng tốt hơn sự tín nhiệm, mong đợi của anh, chị, em công đoàn viên.

 

Một số hình ảnh tư liệu:
 

CBVC Trường ĐHCT tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng

 

CBVC Trường ĐHCT chụp ảnh kỷ niệm trước Bảo tàng
Lịch sử (Hà Nội) và trước Hữu Nghị Quan ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc

 

CBVC Trường ĐHCT tại Đà Lạt

 

Các nữ công đoàn viên Trường ĐHCT tại TP Hồ Chí Minh

 

Cán bộ hưu trí cùng đi với CBVC tại Đà Lạt

 

 

Các cô nuôi dạy trẻ ĐHCT tham quan Đầm Sen TP Hồ Chí Minh

 

Các cháu thiếu nhi con em CBVC đi chơi trong dịp hè

 

(Huỳnh Cẩm Hoa, Nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường ĐHCT)

 

Thông báo

Hộp thư góp ý

Thư viện hình ảnh

Quản lý nghiệp vụ Công đoàn

Video clip

Số lượt truy cập

998613
Hôm nay
Tháng này
Tất cả
134
18849
998613

Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ
Địa chỉ: Lầu 4, NĐH, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 0292.3830183
Email: vpcongdoan@ctu.edu.vn