“Cô Ba màng phủ” ngày ấy…bây giờ…

Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hễ nhắc đến “Cô Ba màng phủ” là hầu hết bà con nông dân đều biết rằng đó là tên gọi thân thương dành cho PGS.TS Trần Thị Ba, giảng viên chính, Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ. Cái tên đặc biệt gợi nhớ một kỷ niệm khó quên, một chi tiết giản dị nhưng có thể tái hiện sinh động chân dung một nhà khoa học, một nhà giáo nữ suốt đời tận tụy, thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng đất chín rồng.


PGS.TS Trần Thị Ba trong một hoạt động chuyên môn

Đó là kỷ niệm trong khóa tập huấn trồng dưa leo sử dụng kỹ thuật màng phủ ở Thái Lan năm 1996. Kết thúc khóa tập huấn, trong khi mọi người đi mua sắm và chuẩn bị hành lý để về nước, cô Trần Thị Ba lại tranh thủ đến thư viện photo tài liệu và cố tình nấn ná ở lại, tìm bằng được thành viên của Ban Tổ chức khóa tập huấn để xin số màng phủ còn dư. Hình ảnh một người phụ nữ mảnh mai, tay xách, nách mang, đánh vật với đồng hành lý cùng chồng tài liệu chuyên môn dày cộm và cuộn màng phủ gần 200 m, đem về nước tiếp tục nghiên cứu khiến các đồng nghiệp đến từ nhiều nước phải kinh ngạc thốt lên: “Vietnamese women are hard-working and industrious!” (tạm dịch “Phụ nữ Việt Nam thật là cần cù, chịu khó!”).

Với nửa cuộn màng phủ xin về, cô háo hức bắt tay vào thực nghiệm trên đồng ruộng quê mình và ngay lập tức gặp phải không ít khó khăn. Điều kiện trồng rau trên nền đất luân canh với lúa ở ĐBSCL khác hẳn với đất cao chuyên rẫy ở Thái Lan. Nông dân chưa tin tưởng kỹ thuật mới nên không nhiệt tình cộng tác, còn lãnh đạo ngành nông nghiệp của một số địa phương thì ái ngại khi cô đặt vấn đề hợp tác nghiên cứu. Thậm chí, có vị lãnh đạo còn mỉa mai “Bao giờ nông dân Việt Nam ra đồng mặc áo bỏ trong quần lúc đó mới hy vọng áp dụng màng phủ được”!. Còn một lý do khác khiến nhiều người không đồng tình, ủng hộ: Ở Thái Lan, nông dân có tiền nên làm màng phủ đồng bộ với hệ thống tưới nước và phân nhỏ giọt để đạt năng suất cao, trong khi nông dân ĐBSCL còn nghèo, không có kinh phí, làm sao áp dụng công nghệ cao được. Những khó khăn chồng chất khiến đôi mắt của cô nhiều lúc thâm quầng vì mất ngủ, đau đáu suy tư, trăn trở tìm kiếm một giải pháp khả dĩ áp dụng được kỹ thuật màng phủ hiện đại của xứ người nhưng phù hợp với túi tiền eo hẹp của nông dân xứ mình.

Gần hai năm, cô cặm cụi tự mình thử nghiệm, tìm ra quy trình hợp lý rồi kiên trì thuyết phục một số nông dân ứng dụng vào sản xuất để cuối cùng màng phủ nông nghiệp đã gây “ấn tượng” với những hiệu quả bất ngờ. Lần đầu tiên nông dân tỉnh Tiền Giang, nhờ ứng dụng màng phủ nông nghiệp, đã trồng được dưa hấu trái vụ, đạt lợi nhuận cao hơn năm lần trồng lúa. Khi nông dân cũng như cán bộ khuyến nông các tỉnh ĐBSCL dần tin tưởng vào kỹ thuật trồng rau sử dụng màng phủ và chương trình khuyến nông của các đài truyền thanh, truyền hình địa phương vùng Tây Nam bộ ngày càng quan tâm lên sóng, phổ biến rộng rãi những kết quả nghiên cứu này, người dân miệt vườn bắt đầu gọi cô bằng cái tên trìu mến: “Cô Ba màng phủ”.

Với người nông dân, cô là “Cô Ba màng phủ” còn với đồng nghiệp và sinh viên trường Đại học Cần Thơ, cô là bạn, là chị, là người thầy thân thiết, một nhà khoa học tài năng và tâm huyết, một nhà giáo nữ dịu dàng nhưng năng động, đầy nghị lực và tinh thần trách nhiệm. Trên giảng đường, cô luôn tìm cách vận dụng những kiến thức mới, những kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học vào bài giảng với mong muốn truyền thụ hiệu quả tri thức nông nghiệp cho sinh viên. Cô mạnh dạn đăng ký biên soạn một số giáo trình như “Trồng rau” (xuất bản năm 2005), “Kỹ thuật sản xuất rau sạch” (xuất bản năm 2010),.. Đây đều là những tài liệu phục vụ thiết thực và hiệu quả cho nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên. Tận dụng nghề tay trái là chụp ảnh (cô là Hội viên Câu lạc bộ Nữ Nhiếp ảnh ĐBSCL), cô đã thực hiện những hình ảnh khoa học thể hiện dưới góc độ nghệ thuật để minh họa cho bài giảng, thu hút sự chú ý của sinh viên (SV), làm tiết giảng thêm sinh động. Từ năm 2005, cô còn là một trong những người tiên phong hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học. Cô đã hướng dẫn 6/7 đề tài khoa học công nghệ do SV chủ trì được nghiệm thu đạt kết quả tốt, 3 trong số này đạt được thành tích xuất sắc trong Hội nghị Khoa học Công nghệ tuổi trẻ toàn quốc. Năm 2007, với mong muốn giúp cho SV sớm tiếp cận công nghệ tiên tiến về sản xuất rau sạch, cô đã tự ứng trước kinh phí cá nhân xây dựng một khu nhà lưới 400m2 hoàn chỉnh cho SV thực tập môn học và nghiên cứu trồng rau sạch không cần đất (thủy canh).

Với ý thức “Học, học nữa, học mãi”, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, cô quyết định đăng ký thi, trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa đầu tiên của trường Đại học Cần Thơ năm 2001 và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2006. Trong thời gian đi thực tập một năm tại Úc, cô tham dự khóa huấn luyện về “Hệ thống nông nghiệp của Úc”, sớm tiếp cận hệ thống nông nghiệp hiện đại, quản lý được chất lượng và an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP “Chuỗi cung ứng rau khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ” để về ứng dụng, giúp ích cho nông dân quê nhà. Với niềm đam mê nghiên cứu, với những cống hiến trong công tác đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư, thạc sĩ trẻ, và nông dân giỏi, đồng thời ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, năm 2010, cô đã vinh dự được Nhà nước phong tặng chức danh Phó Giáo sư


PGs.Ts Trần Thị Ba đang giảng dạy cho sinh viên Đại học Cần Thơ

 Bây giờ, tuy đã bước vào tuổi nghỉ hưu, nhưng PGS.TS Trần Thị Ba, “Cô Ba màng phủ” ngày nào vẫn cần mẫn hàng ngày trên bục giảng, trên những thửa ruộng thử nghiệm, vẫn tiếp tục tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và cố vấn cho các tỉnh, thành với vai trò là nhà khoa học trong việc liên kết giữa nhà nông, nhà nước với nhà doanh nghiệp. Cô đã hướng dẫn 07 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, hướng dẫn 03 nghiên cứu sinh và có 10 bài viết cho Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; 01 đề tài cấp quận (Bình Thủy, TP.Cần Thơ): “Xây dựng mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn không cần không cần đất qui mô hộ gia đình” được nghiệm thu năm 2015 và 01 đề tài cấp tỉnh (Đồng Tháp): “Xây dựng quy trình sản xuất ớt để nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp” được nghiệm thu năm 2016. Cùng năm này, cô xuất bản sách “Nâng cao hiệu quả sản xuất rau Đồng bằng sông Cửu Long bằng kỹ thuật ghép gốc”, một công trình tổng hợp những kết quả nghiên cứu của cô trong 10 năm qua.

Hiện nay, chưa dừng việc nghiên cứu khi tuổi đời đã 60, để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, cô tiếp tục nghiên cứu công nghệ trồng rau không cần ánh sáng mặt trời (sử dụng ánh sáng nhân tạo của đèn LED), nghiên cứu, tạo ra sản phẩm rau có giá trị tinh thần cho giới có thu nhập cao trong xã hội. Ngoài ra, cô cùng chồng (kỹ sư Trồng trọt) và con trai (cũng là cựu SV ngành Trồng trọt) đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình tạo hình trái dưa hấu, dưa lê vuông phục vụ chưng tết; tạo trái dưa leo có dạng hình trái khế, hình vuông phục vụ cho các nhà hàng. Cô còn nghiên cứu tạo ra cây rau dùng làm cảnh (bonsai) để thưởng ngoạn như kết hợp các giống ớt, cà cherry trên cùng một cây (về màu sắc, hình dạng và kích thước trái), các giống bầu, bí, mướp trên cùng một cây;… Với những thành quả này, hoàn toàn có thể hi vọng, trong tương lai cây rau ĐBSCL sẽ có chỗ đứng ở những điểm “Du lịch tri thức”, một loại hình du lịch mới đang thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, PGS.TS Trần Thị Ba khiêm tốn trả lời: “Tôi thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn, làm sao để vừa làm tốt công tác đào tạo, cho ra đời nhiều thế hệ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp và các nhà khoa học hữu ích trong tương lai, đồng thời có nhiều công trình khoa học ứng dụng hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL; cố gắng giúp nông dân trồng rau có cuộc sống khấm khá hơn”. Thật lạ! Nghe cô chia sẻ những dự định của mình, có cảm giác như sau bốn mươi năm gắn bó với công việc giảng dạy cho sinh viên và đồng hành cùng nông dân; sau biết bao cống hiến cho sự nghiệp phát triển trường Đại học Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, đến khi về hưu, “Cô Ba màng phủ” đầy nhiệt huyết ngày nào vẫn không hề cảm thấy mệt mỏi, vẫn hướng về tương lai với mong muốn “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu).

Địa chỉ hiện tại của PGs.Ts Trần Thị Ba: Số 320/2 đường Trần Ngọc Quế, Phường Xuân Khánh, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, ĐT: 0919.093311

 

Tác giả: Nguyễn Hoàng Nghĩa
Phòng Công tác chính trị-Trường ĐHCT

Thông báo

Hộp thư góp ý

Thư viện hình ảnh

Quản lý nghiệp vụ Công đoàn

Video clip

Số lượt truy cập

1007108
Hôm nay
Tháng này
Tất cả
1022
27344
1007108

Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ
Địa chỉ: Lầu 4, NĐH, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 0292.3830183
Email: vpcongdoan@ctu.edu.vn