NGƯỜI CHÂU THỔ...

Kính tặng GS.Võ Tòng Xuân

Châu thổ bao đời nuôi lớn người châu thổ bằng những hạt phù sa đỏ đầy màu mỡ. Người châu thổ thương đất châu thổ như thương tổ tiên ông bà một thời mở cõi phương Nam. Tình đất và tình người đồng hành để đưa mảnh đất này vượt qua bao gian khó, để có một đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năng động, sáng tạo và hiện đại như bây giờ. Tôi làm sử và quý hạt lúa quê mình dù ai nói rằng cái quan niệm “dĩ nông vi bản” đã lùi xa trong quá khứ. Với thế hệ chúng tôi, cái đói lâu lâu vẫn hiện về trong tiềm thức như nhắc nhở hãy đừng quên hạt lúa đồng bằng.

Những năm sau giải phóng, tôi mới vài tuổi đầu chập chững vào tiểu học. Cô giáo lịch sử dạy chúng tôi rằng, Việt Nam là cái nôi của văn minh lúa nước Đông Nam Á, tôi đã hình dung sự no đủ của một đất nước mà lúa gạo là điều không thể thiếu. Vậy mà, có hôm về đến nhà, má dọn cơm lên, bà nói:

-Rầy nâu ăn hết lúa rồi, bữa nay nhà mình ăn “bo bo”.

Tôi nhìn vào nồi cơm, cái mà má tôi nói là bo bo nhìn tròn tròn như hạt đậu nành. Nhưng nó thật là khó ăn, mùi vị lạ, không mềm và cũng không dễ nuốt. Thằng con trai năm, bảy tuổi lội bộ đi vài cây số đến trường, phải cởi quần áo cầm trên tay giơ lên khỏi đầu để bơi qua sông, mặc quần áo vào rồi đi tiếp. Ngày hai lượt đi về, đến nhà hai chân muốn run lên vì đói. Bo bo có gì mà không ăn được, cố nuốt cũng no thôi. Nhưng không phải vậy, sau khi ăn tôi lại phải ói ra hết, hình như cái thứ ăn thay gạo đó không hợp với thằng con nít như tôi. Từ bữa đó, tôi đi bắt cá, bắt cua, móc khoai lang về nướng ăn chứ không đụng tới bo bo nữa. Giờ gần năm mươi tuổi rồi, nhắc lại tôi vẫn còn thèm thuồng một bữa cơm bằng hạt gạo quê nhà. Thỉnh thoảng cũng có ít gạo cứu đói, có nhiêu má nhường cho năm anh em tôi ăn hết, hỏi má má chỉ cười hiền:

-Tao với ba bây người lớn ăn gì cũng được, tụi bây còn phải đi học nên phải có sức. 

Giờ nghĩ lại, thương má quá chừng.

Cả tháng sau đó, tôi và đám nhỏ trong xóm sống theo kiểu “tự cung, tự cấp”. Từ những con cua, con cá, đọt lang, củ mì mà chúng tôi kiếm được để đợi chờ những hạt gạo “cổ truyền”. Tôi nghe mấy cụ già trong xóm bảo sắp hết đói rồi, rầy nâu sắp bị tiêu diệt rồi, sắp thắng rồi...nghe tưởng như vừa có thêm một cuộc chiến tranh nữa sắp đi qua. Chú tư về bảo:

-Trường Đại học Cần Thơ đã đóng cửa rồi, thầy cô và sinh viên đã đi khắp nơi để giúp bà con trồng giống lúa mới. Tụi bây sắp hết đi móc khoai lang rồi nghen.

Tôi nghe mà thấy sướng rơn trong bụng. Chú tư là sinh viên bên đó mà, chắc chú nói là trúng thôi. Chiều hôm đó, đám nhỏ tụi tui lén coi chú tư và mấy cô chú khác bàn về cách trồng giống lúa mới chống rầy nâu gì đó với mấy chú trên xã. Chúng tôi nghe lõm được tên giống lúa gì lạ quắc: IR 36. Đối với những đứa trẻ vừa trải qua cuộc chiến tranh, có lẽ nói đến các “khái niệm” AK.47 hay B.40 còn có thể hiểu sâu sắc hơn. Mà thây kệ, tên gì cũng được miễn có gạo ngon ăn là được rồi. Chúng tôi còn nghe họ nói loáng thoáng tên ai đó, bác Bảy Khai, thầy Xuân, thầy Huỳnh...Nhìn vào mắt họ, dù là con nít nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được niềm vui ngày một dâng lên. Có lẽ, những đứa trẻ như bọn tôi sắp không còn phải nuốt bo bo, vừa ăn vừa ói.

Rồi lúa cũng xanh kín đồng chỉ vài tháng sau đó, rồi những bông lúa nặng trĩu hạt cũng bắt đầu đong đưa theo gió. Mùa gặt nhộn nhịp nhất mà những đứa trẻ chúng tôi từng chứng kiến cũng đến. Những bó lúa đã chất đầy sân, những tiếp đập lúa rộn ràng, tiếng cười nói vang khắp xóm. Châu thổ lại trở mình vươn lên từ những khó khăn, người đồng bằng bao đời lại vươn lên bằng sự cần cù và sáng tạo của mình. Lớn lên tôi mới biết, không có nước nào ăn bo bo (lúa miến) như kiểu nấu cơm như bà con quê mình vì nó rất cứng.

Tôi viết những dòng này không chỉ là kí ức của riêng tôi, mà của cả ông bà, cha mẹ và bạn bè tôi trên khắp đồng bằng khi nói về cây lúa. Rồi tôi lên Trường Đại học Cần Thơ học, ra trường và tiếp tục làm việc ở ngôi trường này. Tôi học sư phạm nhưng tình cảm đặc biệt vẫn dành cho khoa nông nghiệp với những cảm nhận ban đầu của một đứa trẻ về cái đói, về rầy nâu và về hạt lúa. Tôi có dịp nhìn thấy thầy Xuân và đọc thêm những bài báo viết về thầy, thật giản dị, gần gũi, đúng chất phù sa châu thổ. Tôi lặng lẽ giữ lại những cảm xúc cho riêng mình chứ không dám gặp để nói chuyện gì. Có những con người mình biết mà không quen vì đơn giản là hai thế hệ quá xa nhau hoặc những ấn tượng sâu đậm đôi khi khiến mình rụt rè. Dấu ấn mà họ để lại trong cuộc sống đôi khi lại quan trọng hơn những công trình khoa học trên sách vở.


GS Võ Tòng Xuân và đại tướng Võ Nguyên Giáp


Thỉnh thoảng, tôi vẫn đọc một số bài báo viết về cuộc chiến chống rầy nâu năm nào và biết thêm được rất nhiều điều để rồi thêm quý ngôi trường mình đang làm việc. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ vài dòng mà thầy Xuân đã kể lại trên bài báo Đánh giặc rầy nâu: “Có một khoảng thời gian mà cả trường Đại học Cần Thơ, từ giáo sư đến sinh viên phải xắn quần đi giúp nông dân diệt rầy nâu. Nhưng thật ra chiến thắng của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều thán phục. Từ 5 gr hạt giống lúa IR36 gửi trong một bao thư từ Viện Lúa quốc tế ở Philippines, tôi và anh Nguyễn Văn Huỳnh đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất của IR36, sau đó nhân ra khoảng 2 tấn lúa giống. Lúc đó giặc rầy nâu khủng khiếp đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản trồng giống lúa cũ TN73-2 và IR26. Tôi đề nghị Ban Giám hiệu cho đóng cửa trường trong 2 tháng để chúng tôi cho sinh viên đem phổ biến giống lúa mới IR36 kháng rầy để cứu nông dân. Chú Bảy Phạm Sơn Khai, Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ đã đồng ý cho thực hiện. Hơn 2.000 sinh viên nông nghiệp và sư phạm, sau 2 ngày được huấn luyện cấp tốc 3 phương pháp: sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy, và cấy lúa 1 tép/bụi, đã ra quân dưới sự hướng dẫn của cán bộ khoa Trồng trọt đến tất cả các địa phương đang có rầy nâu xuất hiện. Chỉ trong hai vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, đánh đuổi giặc rầy nâu, chấm dứt thảm họa của nông dân”.

Đọc lại những dòng này, không khí ra quân của Trường Đại học Cần Thơ đi cứu lúa ngày nào vẫn còn đọng lại. Những thầy cô, anh chị làm việc trong những năm 1977, 1978 ở Trường Đại học Cần Thơ chắc cũng không thể nào quên được. Mỗi khi có dịp gặp gỡ hoặc trong những lúc rảnh rỗi bên ly cà phê sáng, khi nói về “cuộc chiến” này, câu chuyện lại trở nên rôm rả, mọi người như vui hơn với một thời khó khăn, thử thách nhưng cũng đáng tự hào. Tôi hiểu rằng, đâu phải những người làm sử như tôi mới đau đáu về những câu chuyện trong quá khứ. Và câu chuyện về cuộc chiến chống “rầy nâu” chắc chắn sẽ còn được kể cho những lớp sinh viên và thế hệ trẻ sau này. Ở đó, có một vùng châu thổ, có ngôi trường và những con người chân chất, hiền lành nhưng đầy trí tuệ, sáng tạo và luôn có ý chí vươn lên.


GS Xuân và đại uý Trọng tại nông trường Giồng Giăng (Đồng Tháp năm 1985)-Ảnh David Carlinh (báo Thanh niên)


Bác Bảy Khai giờ đã không còn nữa. Thầy Xuân, thầy Huỳnh cũng đã nhiều tuổi nhưng vẫn cống hiến từng ngày cho khoa học. Và còn biết bao thầy cô đến từng nhiều vùng miền khác, vẫn gắn bó với Trường Đại học Cần Thơ, vẫn miệt mài đóng góp cho châu thổ Cửu Long.

Tôi vẫn nhìn thấy các thầy trong những dịp lễ của trường, vẫn cứ nhìn từ xa và cầu chúc cho các thầy luôn mạnh khoẻ. Những đóng góp của các thầy cho đồng bằng như vậy là quá đủ rồi. Nhưng với tâm tính người châu thổ, tôi biết chắc rằng tấm lòng của các thầy có lẽ không có điểm dừng lại trong cõi nhân sinh này.

Mấy hôm nay, tôi đọc báo thấy ĐBSCL đang lở và mức độ thật đáng báo động. Tôi lại thấy GS.Võ Tòng Xuân với mái tóc đã bạc trắng màu thời gian, vẫn đóng góp những ý kiến đầy tâm huyết cho cuộc chiến mới mà chắc chắn rằng sự khốc liệt không thua kém cuộc chiến diệt rầy nâu nửa thế kỉ trước. .


Tác giả: Trần Minh Thuận
Khoa Sư phạm - Tường ĐHCT
ĐT: 0907079229

Thông báo

Hộp thư góp ý

Thư viện hình ảnh

Quản lý nghiệp vụ Công đoàn

Video clip

Số lượt truy cập

1019645
Hôm nay
Tháng này
Tất cả
1558
8165
1019645

Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ
Địa chỉ: Lầu 4, NĐH, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 0292.3830183
Email: vpcongdoan@ctu.edu.vn