NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG

Những năm gần đây, điểm tuyển sinh đầu vào khá thấp của các ngành sư phạm đã trở thành một vấn đề của xã hội. Thế nhưng, điểm chuẩn của các ngành sư phạm của Trường Đại học Cần Thơ vẫn giữ được ở mức cao và thậm chí tăng lên. Điều gì đã làm nên điểm son ấy? Nghề giáo đem đến tiền tài, danh lợi? Chắc chắn không thể. Đi tìm câu trả lời, tôi nhận ra một trong những nguyên nhân quan trọng: học trò Đồng bằng chọn nghề giáo từ cảm hứng về nhân cách thầy cô dạy dỗ mình. Vậy là, trong thời đại 4.0, thời đại học tập qua máy tính và mạng internet, nhân cách người Thầy còn quan trọng vậy sao? Điều đó làm tôi suy ngẫm rất nhiều về bản thân mình bởi tôi cũng là một thầy giáo. Tôi chợt nghĩ về người thầy đang hướng dẫn luận án của mình – Thầy Nguyễn Văn Nở, Trưởng Khoa Sư phạm kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm - và bỗng nhận ra một điều bất ngờ: Thầy không chỉ là người hướng dẫn chuyên môn mà còn là một tấm gương về nhân cách người thầy mà một Thầy giáo trẻ như tôi phải luôn luôn học hỏi.  

Người ta nói chọn nghề giáo là chọn nghiệp chứ không phải chọn nghề. Mà đã là cái nghiệp thì phải sống hết mình và chấp nhận đánh đổi nhiều thứ. Sự đánh đổi đó chính là sự lựa chọn nhân cách của một người làm thầy. Đó là điều làm tôi nghĩ mãi về thầy của mình. Cũng như nhiều thầy cô khác của Trường Đại học Cần Thơ, Thầy Nguyễn Văn Nở chấp nhận cuộc sống thanh đạm trong khu tập thể của Trường  để sống đẹp với nghề. Từ khi tôi được học với Thầy, cách nay đã hơn 20 năm, gia đình Thầy vẫn sống trong khu tập thể lúc chỗ này, lúc chỗ nọ với vài chục mét vuông. Gia đình với 4 nhân khẩu phải sắp xếp, san sẻ không gian chật hẹp để vừa có nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt vừa có nơi để học tập, làm việc. Ngay cả khi Thầy có học vị Tiến sĩ rồi học hàm Phó Giáo sư, Phó Trưởng Khoa rồi đảm nhận chức vụ Trưởng Khoa, gia đình Thầy đến giờ vẫn còn sinh hoạt trong khu tập thể đã xuống cấp và sắp giải thể. Vậy điều gì đã quyết định con đường sống giản dị, thanh đạm trong khi có thể sống khác, lựa chọn khác?

Thầy giúp tôi nhận ra rằng, đã làm thầy thì phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ chứ không chỉ giậm chân tại chỗ với một mớ kiến thức cũ và chỉ lo “kiếm tiền”. Đó là danh dự của người Thầy. Quyết tâm nâng cao chuyên môn, gạt bỏ chuyện “làm giàu”, Thầy đã sắp sếp việc giảng dạy cho phù hợp với việc học tập, kiên định phải làm nghiên cứu sinh. Không có thời gian học ngoại ngữ, đọc sách, nghiên cứu, Thầy tranh thủ mọi lúc mọi nơi. Mỗi lúc có dịp ngang qua nhà Thầy, lúc nào tôi cũng thấy bóng dáng gầy lặng lẽ quen thuộc miệt mài bên ánh đèn khuya lặng lẽ. Trong hoàn cảnh tương tự, có lẽ nhiều Thầy cô đã làm thêm nghề tay trái, thậm chí xem nghề tay trái là nghề chính, việc nâng cao chuyên môn, sống đẹp với nghề trong hoàn cảnh đó đôi khi trở thành xa xỉ. Nhưng, “có công mài sắt, có ngày nên kim”, một ngày đẹp trời của năm dương lịch 2008, Thầy đã vinh dự nhận bằng tiến sĩ Văn học Việt Nam. Ý chí kiên định của người con Gò Công về “danh dự” của người thầy đã giúp Thầy chiến thắng hoàn cảnh, vượt qua số phận và cuối cùng trở thành một điển hình về nhân cách của người thầy trong môi trường giảng dạy đại học.

Nhưng liệu việc đạt chuẩn chuyên môn đã là đủ cho một nhân cách người thầy trong môi trường giảng dạy đại học? Thầy đã có lần tâm sự trên một bài báo: “Làm nghề giáo không phải dễ. Kiến thức chuyên môn chưa đủ, còn cần phải có cái tâm và cái tình. Phải gần gũi, nắm bắt tâm trạng, hoàn cảnh của từng học trò để kịp thời động viên, chia sẻ giúp các em có thêm nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Tài yếu, tâm thiếu thì chỉ có thể bám nghề mà không làm trọn nghiệp”. Tôi biết những lời tâm huyết đó của Thầy không phải là lời nói suông. Cái tâm của người giảng viên đại học không chỉ giảng dạy mà còn là đóng góp vô kho tàng tri thức nhân loại và cập nhật kiến thức mới cho người học bằng công việc nghiên cứu. “Ôn cố nhi tri tân”, kho sách hàng ngàn quyển và việc sắp xếp ngăn nắp trong những chiếc kệ giản dị chiếm phần lớn gian phòng làm việc chật hẹp của Thầy đã khẳng định tình yêu tri thức. Những lúc phải di chuyển chỗ ở, những quyển sách là tài sản quý giá đầu tiên được Thầy nâng niu bảo quản tốt nhất. Rồi cái tâm nhiệt thành của người thầy đối với tri thức cuối cùng cũng đến ngày hái quả. Chỉ trong vòng 3 năm từ khi đạt học vị tiến sĩ, những thành tựu khoa học của Thầy về văn học, văn hóa và ngôn ngữ đã được khẳng định bằng chức danh Phó Giáo sư được công nhận bởi Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước. Thầy không chỉ trở thành Phó Giáo sư ngôn ngữ đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long mà còn trở thành một trong những Phó Giáo sư được công nhận nhanh nhất từ khi đạt học vị tiến sĩ ở Đại học Cần Thơ. Hàng loạt bài báo chất lượng đăng trên tạp chí chuyên ngành và kỷ yếu hội thảo quốc gia, hàng chục quyển sách in chung và riêng, các đề tài khoa học các cấp… đã khẳng định những đóng góp lớn lao của Thầy cho nền học thuật xã hội và nhân văn, nhất là lĩnh vực văn hóa và ngôn ngữ. Những thành tựu này như là lời nhắn nhủ của Thầy với chúng tôi về thiên chức của người thầy: trong môi trường đại học, không phải tiền tài, danh vọng hay chức vụ mà điều quan trọng là khẳng định được chuyên môn qua giảng dạy và nghiên cứu. Học trò tôn trọng thầy và quý trọng nghề giáo không chỉ vì thầy dạy giỏi mà còn bởi thầy dạy những tri thức mới, và hơn thế, Thầy còn là một nhân cách sống động của quá trình kiến tạo những tri thức đó.

Người thầy giáo không thể là một nhân cách toàn vẹn nếu thiếu đi cái tình chân chính. Những ai tiếp xúc với Thầy sẽ dễ dàng nhận ra cái tình đặc biệt đối với học trò ẩn dưới vẻ ngoài nghiêm nghị. Đó là cái tình gắn liền với sự tôn trọng và tin tưởng khả năng của trò trong học tập và rèn luyện. Trong nhiều dịp cùng Thầy đưa sinh viên đi thực tế miền Trung, tôi chứng kiến Thầy hết lòng hết sức lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ cho học trò của mình như người cha, người anh lo cho con, cho em. Nhưng trong giảng dạy hay hướng dẫn luận văn, luận án, Thầy luôn tôn trọng ý tưởng và khả năng tự học, tự nghiên cứu độc lập của học viên. Thầy không bao giờ dễ dãi hay “làm hộ”. Đã có học viên nhận điểm thấp rồi trách Thầy không “làm hộ” hay “nương tay”. Nhưng Thầy không bao giờ “chiều lòng” bởi đó là cái tình ban phát và đánh mất sự tôn trọng đối với học trò.  Trong thực trạng nền giáo dục có nhiều hiện tượng chạy theo thành tích, nâng điểm học trò, yêu học trò kiểu ban phát, quan điểm về cái tình đối với trò của Thầy là một điểm sáng mà tôi thầm cảm phục. Tôi nghiệm ra rằng, sự giúp đỡ, quan tâm, sâu sát của thầy cô đối với học trò là rất cần thiết nhưng dứt khoát không thể là tình yêu hạ thấp người học. Trong môi trường giáo dục, sự giao tiếp giữa thầy và trò phải là sự giao tiếp đúng nghĩa giữa một nhân cách đối với một nhân cách.

Có lẽ các thế hệ học trò của vùng đất Gò Công đều biết đến tấm gương vượt khó vươn lên của Thầy. Những bài viết “Nở "còm" và hành trình vươn tới ước mơ” (Tuổi trẻ, số 15/7/2012),  “Từ cậu bé đạp xe ba gác trở thành Phó Giáo sư Ngôn ngữ học” (Ấp Bắc, số 02/2/2014), đã khắc họa đầy đủ những năm tháng đầy vất vả mưu sinh và nghị lực vươn lên mạnh mẽ của người con nghèo khó mà hiếu học của vùng đất Gò Công. Nhưng tôi không nói lại về tiểu sử tuổi thơ ‘dữ dội” của Thầy. Tôi chỉ nói về người thầy mà tôi đã trực tiếp tiếp xúc, được học và cùng làm việc. Còn rất nhiều câu chuyện về Thầy mà tôi chưa nói hết ở đây. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ giúp tôi nhận ra một điều: Thầy Nguyễn Văn Nở chính là một nhân cách sống động kết tinh những phẩm chất của một người thầy chân chính. Trong vai trò và thiên chức của mình, Thầy đã, đang và mãi là người truyền cảm hứng cho các thế hệ cựu sinh viên, sinh viên, học trò vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi cũng nhận ra rằng, dù trong thời đại nào, nghề giáo vẫn là một nghề cao quý và người thầy cần có một nhân cách để xứng đáng với nghề cao quý đó.

 


PGS.TS. Nguyễn Văn Nở trong một chuyến đi thực tế cùng tác giả


Tác giả: TRẦN VĂN THỊNH
Khoa Khoa học xã hội và nhân văn- Đại học Cần Thơ

Thông báo

Hộp thư góp ý

Thư viện hình ảnh

Quản lý nghiệp vụ Công đoàn

Video clip

Số lượt truy cập

1512484
Hôm nay
Tháng này
Tất cả
429
13260
1512484

Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ
Địa chỉ: Lầu 4, NĐH, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 0292.3830183
Email: vpcongdoan@ctu.edu.vn