Để đi kiếm một tiêu chuẩn cho đúng, cho hay, cho đẹp đôi khi không dễ dàng vì nó phụ thuộc nhiều vào xã hội, văn hóa, cách tiếp nhận vấn đề của người trong cuộc.
Bị người ta nói xấu, nói không đúng sự thật về mình, mình phải làm sao đây?
Chẳng riêng gì tôi, bạn đã từng bị như thế, và sẽ tiếp tục “được” bị như thế nếu vẫn còn sống, còn tồn tại, còn va chạm trong cuộc sống. Thế nên, chúng ta cần sẵn sàng chuẩn bị tâm lý trước, hay ít ra cho mình một lối đi riêng có sẵn, và tới khi có chuyện thì mình cứ theo những gì tính trước mà làm.
Tôi đã chọn cho mình một hướng khi có những lời không đúng về mình.
Trước tiên, mình xem xét lời người ta nói về mình có đúng không (lúc này phải dẹp cái tôi qua một bên để đứng khách quan mà nhìn, điều này hơi khó nếu ta có cái tôi lớn), nếu đúng thì nên cúi đầu nhận lỗi để mọi chuyện không trở nên phức tạp và rắc rối thêm khi ta cố biện minh; nếu sai, trước khi im lặng hoàn toàn và không nói gì thêm, ta dùng những lời nói nhẹ nhàng để giải thích nếu đối phương muốn lắng nghe.
Sự việc sẽ càng thêm phức tạp khi lời qua tiếng lại, mà trong đó ai cũng bảo vệ ý kiến riêng của mình.
Dù ta đúng hay sai, nếu cố biện minh, cố làm sáng tỏ vấn đề bằng tranh luận hơn thua chỉ càng làm mọi chuyện trở nên trầm trọng.
Trong mọi trường hợp, im lặng luôn là giải pháp tối ưu. Sự im lặng cho biết năng lực của bạn. Nó có thể đưa ra sự thật. Nó có thể là sự hùng biện. Nó có thể làm nguôi giận. Nó có thể dỗ dành. Nó là sự điềm tĩnh. Đôi khi nó dũng cảm hơn là nói ra.Ta có thể giải thích và nói lại chuyện này sau nếu thấy cần thiết khi mọi thứ đã dịu lại, nếu thấy không đáng để quan tâm nữa thì cứ bỏ qua một bên. Cuộc sống còn nhiều thứ để quan tâm hơn là mang trong mình sự ấm ức và bực bội chỉ vì người khác không hiểu đúng về mình.
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện sau đây.
Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
- Ngài có điếc không?
- Ta không điếc.
- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
- Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên.
Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rời xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau mọi người có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.
Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai, thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là là điều không hay. Dĩ nhiên không phải lời thị phi nào cũng dễ bỏ ngoài tai. Có những lời sỉ nhục nhân cách, tác động không chỉ tới riêng ta mà còn tạo làn sóng dư luận đến tâm lý những người quanh ta, họ có thể từ chỗ lời thị phi mà nhìn nhận không đúng về ta. Cứ bình tĩnh. Bởi lẽ, những lời thị phi sẽ chỉ ảnh hưởng được những ai hời hợt qua loa đánh giá vấn đề từ cửa miệng; những người sâu sắc, thâm trầm, có tri thức thì biết nhìn sâu nhìn rộng và chỉ có nhận xét khi đã thẩm định kĩ càng. Thế nên, nếu ta đúng thì hãy giữ vững sự kiên định của tâm thức, bởi chẳng khó khăn gì khi ta vượt qua những lời ong tiếng ve không sự thật, căn cứ.
Sưu tầm