NGHỀ GIÁO

 

Những thầy cô giáo chiếm được tình cảm trìu mến trong chúng ta khi nhớ về họ thường là những người đã nhìn ra thế mạnh trong chúng ta và đã khiến chúng ta thay đổi để tốt hơn.

Bạn cứ đến hỏi con trai tôi ai là giáo viên nó yêu mến nhất và nó sẽ trả lời trước khi bạn kịp chớp mắt: Thầy Phong.

Thầy Phong không phải là giáo viên chủ nhiệm lớp của con trai tôi, và ông ta cũng không dạy lớp học của con trai tôi một môn học cụ thể nào. Thực sự thì Thầy Phong còn không phải là giáo viên cơ hữu của nhà trường.

Từ những thông tin lượm lặt, tôi biết ông ấy là giáo viên đã về hưu và hiện giờ chỉ tham gia các công việc mang tính chữa cháy. Điều này đồng nghĩa với việc con trai tôi không phải gặp Thầy Phong thường xuyên, và điều đó cũng không cản trở được việc thằng bé làm một tấm thiệp thủ công tặng Thầy Phong trước ngày Nhà Giáo vào đầu tháng này.

Đó là một trong những tấm thiệp đầu tiên đứa con trai lên 9 tuổi của tôi làm tặng các thầy cô giáo, và là tấm thiệp mà nó tốn nhiều công sức nhất.

"Tại sao con yêu quý Thầy Phong đến thế?" Tôi tò mò muốn biết.

"Ông ấy tử tế lắm, thưa Mẹ," nó nhanh nhảu trả lời.

"Được rồi, nhưng hầu hết thầy cô giáo của con cũng như vậy mà. Thầy Phong khác họ ra sao? "

Con trai tôi suy nghĩ một lát trước khi trả lời. "Thầy kể cho tụi con nghe chuyện đời mình, thưa Mẹ. Thầy dạy tụi con những bài học cuộc sống, và phương cách để làm người tốt."

Sau đó mới là phần then chốt "Thầy có thể rất dữ tợn, nhưng Thầy cũng nói những điều tốt đẹp về tụi con."

Mẹ của một bé trai học chung lớp với con trai tôi có hôm kể với tôi lần cô ấy gặp Thầy Phong khi đi đón con ở trường. Ông ta chào đứa trẻ và tiến lại nói với cô ấy về sự lễ phép của thằng bé. "Ông ấy thật tốt khi giúp tôi biết điều đó," phụ huynh này nói với tôi.

Sau đó ít lâu, chúng tôi tình cờ giáp mặt Thầy Phong ngoài đường. Ông ấy gọi tên con tôi và nói với tôi về một việc tốt mà con tôi đã làm và đã được vinh danh trong trường.

Nhớ lại cái cách mà ông ta khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng, tôi bất chợt hiểu được sự thu hút của Thầy Phong. Không đơn thuần là những câu chuyện ông ta kể trong lớp học, lôi cuốn và có ý nghĩa.

Bạn có thể lập luận rằng do là một giáo viên chữa cháy vốn dĩ không chịu nhiều áp lực trong việc hoàn thành chương trình dạy trong năm học hay việc đảm bảo các chuẩn mực học thuật, Thầy Phong sẽ có nhiều thời gian để gần gũi với bọn trẻ.

Nhưng với một người nhận dạy những lớp học ngẫu nhiên và theo lịch đột xuất, quả là ấn tượng với cái cách ông ta nhớ tên gọi những đứa học trò mà ông tình cờ gặp. Và còn đáng ngợi khen hơn khi ông ta phải rèn luyện cách ghi nhớ những điều tốt đẹp của từng đứa học trò.

Thông qua việc xác nhận vai trò của bọn trẻ mỗi khi có cơ hội, Thầy Phong giúp vận hành một tập thể tốt đẹp với những hành vi tích cực hay ít ra cũng đã tạo ra khát khao làm người tốt. Và đó là đặc điểm giúp phân loại giáo viên ‘tử tế’ với các giáo viên được yêu mến khác.

Những thầy cô giáo mà chúng ta khi nhớ lại nhiều năm sau vẫn cảm thấy sự trìu mến thường là những người nhận thấy sự tốt đẹp trong chúng ta và đã thay đổi chúng ta theo chiều hướng tích cực, cho dù đó là cách giúp chúng ta nhìn nhận lại bản thân, giải quyết một môn học hay tiếp cận cuộc sống nói chung. Họ không cần thiết phải vượt quá bổn phận của mình, mà họ chỉ cần cho thấy họ thực sự biết quan tâm.

Cô Ooi, giáo viên chủ nhiệm của tôi trong 3 năm cấp II, đứng đầu danh sách những giáo viên tôi yêu mến. Cô ấy quan tâm đến những thứ ngoài điểm số và đối đãi với chúng tôi giống như con đẻ của mình. Cô ấy thường hỏi thăm về những chuyện khác ngoài bài tập về nhà và còn biết cả số anh chị em trong gia đình mỗi đứa chúng tôi.

Ngay cả những đứa học trò cá biệt từng khiến cô bực mình cũng quay về thăm cô nhiều năm sau khi rời trường. Cô đã đến dự tiệc cưới của một số đứa trong chúng tôi, đến dự tiệc cưới của tôi, và duy trì liên lạc với một nhóm trong lớp chúng tôi.

Nhưng có lẽ người giáo viên có tác động lớn nhất đến tôi không có chút ký ức gì về tôi.

Tôi là một cô học trò nhút nhát, bình thường và luôn phải nỗ lực hoàn thành lượng công việc nhiều gấp đôi khi học lớp 6 do giáo viên chủ nhiệm đổ lên vai tôi. Cô Chan phân công các vị trí trong ban cán sự lớp và tôi được chỉ định làm thủ quỹ. Tôi đã hoảng sợ. Ngoài việc phải bảo đảm sổ sách có trình tự, tôi phải đảm nhận phần việc khó khăn là thu tiền quỹ lớp từ những bạn học miễn cưỡng để dùng vào việc in ấn tập vở và những thứ khác. Bản thân là một đứa bé nhút nhát kinh khủng lại phải làm phần việc lèo lái con thuyền trong sự giám sát của mọi người, tôi nhận thấy công việc đó không khác gì cơn ác mộng.

Tôi năn nỉ mẹ tôi đến gặp và xin Cô Chan tháo bỏ chiếc gông trên vai tôi. Mẹ bảo tôi hãy tự xử lý việc đó.

Do vậy, vào một buổi chiều tôi gom hết can đảm bước vào phòng giáo viên, trái tim đập thình thịch, đôi bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Tôi nói với Cô Chan rằng tôi không thể làm công việc được cô giao và xin cô làm ơn chọn một bạn khác thay thế tôi. Cô ngước lên nhìn tôi rồi nói giọng cương quyết nhưng ân cần: "Không, cô nghĩ em có khả năng làm việc đó." Sau đó cô nhìn xuống bàn tiếp tục chấm bài, mặc tôi đứng đó hai mắt ngấn lệ.

Tại phiên họp phụ huynh một vài tháng sau đó, cô nói với Mẹ tôi động thái đó là có chủ ý. Bởi cô nhìn thấy tôi là người có trách nhiệm và tỉ mỉ nhưng cần phải thoát ra khỏi vỏ bọc của mình, nên cô nghĩ rằng vị trí thủ quỹ lớp phù hợp với tôi.

Cô đã đúng, dĩ nhiên rồi.

Tôi đã dần dần xây dựng được sự tự tin lớn hơn (cô đã tin tưởng giao chuyện quản lý tiền cho tôi!), hình thành một hệ thống ghi chép tài chính giản đơn nhưng rõ ràng và một bề ngoài dạn dĩ hơn, điều thiết yếu giúp tôi xử lý các bạn học vốn xem tôi là thứ bỏ đi mỗi khi đến ngày thu tiền quỹ lớp.

Từ đó về sau, mỗi khi tôi cảm thấy trọng trách được giao thực hiện vượt quá khả năng của mình, tôi lại nhớ tới Cô Chan và quyết tâm để ít ra cũng phải thử sức mình một lần xem sao.

Đối với một đứa học trò trung bình như tôi, việc Cô Chan nhìn thấu năng lực của tôi quả là điều rất đáng phấn khởi.

Thường thì hình ảnh một học trò thể hiện xuất sắc nhất hoặc kém cỏi nhất sẽ lưu lại trong tâm trí của người giáo viên, tương tự như trong mỗi chúng ta luôn lưu giữ hình ảnh của người thầy, người cô tuyệt vời nhất hoặc đáng sợ nhất. Số đông những giáo viên còn lại giữa hai thái cực trên thường không lưu lại trong chúng ta những quan tâm hay cảm tình đặc biệt.

Tôi đã học được việc tin vào bản thân bởi vì Cô Chan đã đặt niềm tin của mình nơi tôi. Cô ấy đã nhìn thấy năng lực trong tôi mà ngay cả tôi cũng không thể nghĩ là mình lại sở hữu. Cô ấy không chỉ khiến tôi cảm thấy tốt đẹp, mà cô ấy còn khiến tôi mong muốn làm tốt hơn nữa.

Nhà văn người mĩ William Arthur Ward đã tóm tắt lại mọi thứ rất đầy đủ: "Người giáo viên tầm trung chỉ biết nói. Người giáo viên tầm khá biết giảng giải. Người giáo viên giỏi hơn nữa biết thị phạm. Người giáo viên xuất sắc biết cách truyền cảm hứng."

Tôi nguyện cầu rằng Thầy Phong là một trong số nhiều giáo viên tuyệt vời mà con trai tôi sẽ có dịp gặp gỡ trên chặng đường học vấn dài phía trước.

Đào Phong Lâm - Trung tâm Quản lý chất lượng

Thông báo

Hộp thư góp ý

Thư viện hình ảnh

Quản lý nghiệp vụ Công đoàn

Video clip

Số lượt truy cập

1526610
Hôm nay
Tháng này
Tất cả
105
4444
1526610

Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ
Địa chỉ: Lầu 4, NĐH, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 0292.3830183
Email: vpcongdoan@ctu.edu.vn