Chào mừng Kỷ niệm các ngày lễ: 53 năm ngày thành lập Trường Đại học Cần Thơ (31/3/1966-31/3/2019), 68 năm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam (22/7/1951-22/7/2019), 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2019), 44 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019); Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5)...Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ tổ chức chuyến về nguồn tại Quảng Bình cho cán bộ công đoàn và lãnh đạo các đơn vị.


Tại Thành Cổ Quảng Trị - như một huyền thoại về Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972), gắn cùng với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đánh giá sự kiện này, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư của Đảng ta nói: “Chúng ta chịu được không phải vì chúng ta gang thép, vì gang thép cũng cháy với bom đạn của chúng, mà chính ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”. Nghe hướng dẫn viên thuyết minh về trận chiến 81 ngày đêm tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, một số thầy cô đã bật khóc! Thật không thể kìm nén được cảm xúc, thật bồi hồi xúc động khi hướng dẫn viên nhắc lại rất nhiều chiến sĩ ở độ tuổi 18, đôi mươi...đã hy sinh anh dũng trước bom đạn của kẻ thù, các anh hy sinh khi thân thể không được còn nguyên vẹn, rất nhiều người chưa kịp lập gia đình...


“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”


Thắng lợi chiến dịch Xuân- Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ, dập tắt ý đồ leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và ký kết hiệp định Pa ri. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần quyết định làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bảo, thần tốc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Đoàn xem phim tư liệu về huyền thoại Thành cổ Quảng Trị với cuộc chiến 81 ngày đêm của quân và dân ta

Đoàn cán bộ Trường Đại học Cần Thơ viếng các chiến sĩ đã hy sinh tại Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị


Tiếp theo đoàn tham quan Khu phi quân sự DMZ và Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải (Vĩ tuyến 17): Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trở thành địa danh quan trọng của đất nước suốt 20 năm thế kỷ trước. Từ sau Hiệp định Genève 1954, vĩ tuyến 17 chạy dọc theo sông Bến Hải trở thành ranh giới tạm thời chia cắt đất nước, chờ ngày tổng tuyển cử vào 2 năm sau. Hiệp định Genève quy định một khu phi quân sự, rộng 1,6 km về mỗi phía tính từ bờ sông Bến Hải, kéo dài từ cửa biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) lên biên giới Việt - Lào. Trong bút ký của nhà văn Nguyễn Tuân, cây cầu có 2 màu sơn với 894 tấm ván, phía bắc 450 tấm và phía nam 444 tấm. Trong thời gian tồn tại, ở khu vực cầu Hiền Lương diễn ra nhiều cuộc chiến không tiếng súng, đó là chọi loa, chọi cờ... giữa chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (phía Bắc) và chính quyền Việt Nam Cộng hòa (phía Nam). Cột cờ của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm đầu được làm bằng cây phi lao cao 12 m, cờ bằng vải satanh rộng 24,2 m2. Việc nâng chiều cao của cột cờ và bề rộng của lá cờ là cuộc chạy đua giữa 2 bờ. Năm 1962, với vật liệu từ Hà Nội, quân và dân miền Bắc xây dựng cột cờ mới cao 38,6 m với lá cờ rộng 134 m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến. Theo ước tính, đến 1967 đã có 264 lá cờ được kéo lên. Nhân dân hai bên bờ Hiền Lương tự do qua lại giới tuyến 1954-1956. Theo Hiệp định Genève, dọc khu phi quân sự có 10 điểm để nhân dân 2 bờ qua lại, gồm cầu Hiền Lương và 9 bến đò. Mỗi điểm có trạm gác kiểm soát. Người dân muốn vào khu phi quân sự phải có giấy thông hành.

Cụm tượng đài Khát vọng thống nhất ở bờ Nam sông Bến Hải


Năm 2003, cầu sắt Hiền Lương được phục chế theo thiết kế ban đầu của người Pháp để phục vụ tham quan. Mỗi năm, khu di tích này đón khoảng 20.000 lượt khách. Năm 2014, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Lễ hội Thống nhất non sông diễn ra vào tháng 4 hàng năm ở đây cũng được nâng tầm quốc gia. Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương gồm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, nhà liên hợp, đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài Khát vọng thống nhất ở bờ Nam, Nhà bảo tàng vĩ tuyến 17...Từ năm 1972 đến 1974, phục vụ chiến trường miền Nam, công binh bắc cầu phao nối liền 2 bờ Nam Bắc. Năm 1999, cầu Hiền Lương mới được khánh thành, đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Cây cầu mới nằm bên cạnh, về phía Tây của cầu cũ.

Điểm đến tiếp theo của Đoàn là viếng thăm và dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – đảo Yến, nơi vị tướng huyền thoại an giấc ngàn thu. Đến viếng mộ Đại tướng, mọi người đều không khỏi ngậm ngùi thương tiếc khi nhắc tới vị tướng tài ba của Việt Nam người được mệnh danh là “1 trong 10 vị tướng tài giỏi nhất thế giới trong mọi thời đại”, được gắn liền với những sự kiện lớn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến khu Việt Bắc”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đường mòn Hồ Chí Minh”, “Đại tướng và chuyến bay 72.000 km khắp châu Phi”qua 12 nước, “Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tấm gương sáng về rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại”...nhận xét về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cecil B.Currey (sinh năm 1923) là Giáo sư sử học quân sự, Ông từng giảng dạy 34 năm tại Đại học South Florida, Hoa Kỳ, đánh giá chung về tướng Giáp “Những thử thách mà Tướng Giáp phải vượt qua đã khiến ông trở thành bậc thầy chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự… Tướng Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình dù đã ra đi nhưng tấm gương của Ông vẫn sống mãi trong lòng mọi người, vẫn được đời đời lưu danh!

Viếng thăm và dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp  tại Vũng Chùa – đảo Yến


Chuyến về nguồn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh, tinh thần lạc quan, đức hy sinh của các chiến sĩ cách mạng,… Lấy tấm gương các chiến sĩ cách mạng, thanh niên xung phong, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp để làm các bài học quý báu, có ý nghĩa thiết thực nhất, giúp cho mỗi người tự soi lại bản thân, khắc phục khuyết điểm và phấn đấu vươn lên. Ngoài ra, chuyến đi còn tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa lãnh đạo chuyên môn và lãnh đạo công đoàn các cấp để phối hợp, giúp đỡ và tạo thuận lợi cho nhau trong mọi hoạt động nhằm góp phần vào việc xây dựng Trường Đại học Cần Thơ ngày càng tiến nhanh và tiến xa hơn nữa.

Nhận xét về chuyến giao lưu “Về nguồn”, tất cả đều công nhận chuyến đi rất bổ ích và thú vị, chuyến “Về nguồn” là dịp để tất cả mọi người ôn lại lịch sử của dân tộc với những chiến thắng vang dội nhưng những chuyến công oanh liệt đó phải đánh đổi bằng mạng sống của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào. Tận mắt chứng kiến, tận tai nghe về những chiến công và những mất mát, hy sinh của các chiến sĩ mọi người trong Đoàn càng tự hào về trang sử hào hùng của dân tộc, càng biết ơn các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng để giành lấy độc lập cho quê hương, đất nước!


Hoàng Nghĩa
                               (Chủ tịch công đoàn bộ phận Phòng Công tác Chính trị)

Thông báo

Hộp thư góp ý

Thư viện hình ảnh

Quản lý nghiệp vụ Công đoàn

Video clip

Số lượt truy cập

1007281
Hôm nay
Tháng này
Tất cả
97
27517
1007281

Công đoàn Trường Đại học Cần Thơ
Địa chỉ: Lầu 4, NĐH, Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 0292.3830183
Email: vpcongdoan@ctu.edu.vn